Khi gặp nạn trên biển, tự cứu như thế nào?

Khám phá Trái đất – 10 vạn câu hỏi vì sao

Biển cả mênh mông, thuyền bè qua lại tấp nập. Mọi người mong họ thuận buồm xuôi gió. Nhưng có lúc không tránh khỏi tai nạn. Nếu rơi xuống biển mà không được kịp thời cứu hộ thì tính mệnh bị uy hiếp.

Nhưng người ta cũng phát hiện có người trước khi được cứu hộ có thể kéo dài thời gian sống trên biển, còn có người bị chết rất nhanh. Điều đó đương nhiên do sự khác biệt của thể chất từng người, nhưng quan trọng hơn là họ đã dùng những biện pháp tự cứu khác nhau rất có hiệu quả.

Người ta cho rằng: nếu rơi xuống nước mà không bị chìm, nhờ phao cứu hộ nổi được, nhưng sẽ bị nước lạnh, ánh nắng thiêu đốt, đói và khát uy hiếp. Nếu đối phó thích đáng với những mối uy hiếp này, người bị nạn có thể kéo dài sự sống được không?

Nghiên cứu chứng tỏ: xác suất và thời gian sống của người bị nạn có liên quan chặt chẽ với nhiệt độ nước biển: Khi nước ở 0°C, người bị nạn chỉ sống được 15 phút, nước ở 2,5°C, kéo dài được 30 phút, 5°C kéo dài 3 tiếng, 15 – 20°C kéo dài hơn 10 tiếng.

Nguyên nhân là nhiệt lượng trong cơ thể bị mất đi có liên quan với độ lạnh của nước. Do đó làm thế nào để ngăn ngừa sự mất mát nhiệt độ của cơ thể là then chốt để kéo dài sự sống. Muốn thế một là không cởi quần áo ướt ra.

Đọc Thêm:  Vì sao khi triều lạnh mới đến có lúc mưa hoặc tuyết rơi, nhưng có lúc trời trong sáng?

Quần áo sau khi ngấm no nước, có tác dụng cách nhiệt tốt, có lợi cho ngăn ngừa nhiệt độ trong cơ thể bị mất mau chóng. Hai là không được vận động lung tung. Vận động tuy tạm thời làm tăng thân nhiệt, khiến cho người ấm lên, nhưng kết quả làm tăng sự mất mát năng lượng.

Ba là nếu nhiều người có phao cùng rơi xuống nước thì ôm chặt lấy nhau, như thế giúp cơ thể mất nhiệt chậm hơn. Tóm lại chỉ cần ngăn ngừa thân nhiệt giảm nhanh thì sẽ kéo dài được thời gian sống sót.

Ánh nắng thiêu đốt cũng là một sự uy hiếp, ánh nắng mạnh không những làm cho da bị đốt bỏng mà còn khiến cho ra mồ hôi nhiều, sự tiêu hao nước trong cơ thể tăng nhanh gấp 12 lần.

Kết quả dẫn đến sự cân bằng các chất điện giải bị trở ngại, cộng thêm đầu bị nóng quá nhiều, xuất hiện các chứng như đau đầu, choáng đầu, hoa mắt, buồn nôn, phiền não hoặc buồn ngủ, nghiêm trọng hơn sẽ chết.

Do đó những người được ngồi trên phao cứu hộ có thể dùng quần áo hoặc những đồ vật khác để che nắng, đồng thời giảm thấp hoạt động thể lực, kiên trì chờ đợi. Khát là một sự uy hiếp tính mệnh. Nếu có khả năng hứng được nước mưa, đương nhiên là tốt nhất.

Nếu không thể được thì có thể uống một ít nước biển cũng là biện pháp tạm thời để giải khát. Ban đầu có thể dùng nước biển làm nhuận cổ họng, về sau có thể uống một vài ngụm nhỏ, ngày thứ ba mỗi ngày có thể uống 50 ml. Cứ cách nửa giờ uống một lần. Như thế đủ để duy trì một thời gian dài.

Đọc Thêm:  Vì sao cơn lốc sau khi đổ bộ vào đất liền giảm yếu rất nhanh, còn mưa giảm chậm?

Điểm nữa là phải cố gắng tìm cách ăn để duy trì sự sống. Trong biển có nhiều thứ như tôm cá, hải tảo, có thể ăn được. Vấn đề khó khăn nhất là không thể nấu chín, vì vậy phải dùng ý chí khắc phục, dám ăn sống. Điều cuối cùng cũng là điều quan trọng nhất, đó là phải tìm cách nhanh chóng tìm được người cứu hộ.

Vì mặt biển rộng mênh mông, sóng lớn nên người cứu hộ rất khó phát hiện. Người bị nạn phải lợi dụng các tín hiệu có thể được như bắn súng, phất cờ, khí cầu, đèn chiếu, gương phản chiếu ánh nắng Mặt Trời, v.v… để thể hiện rõ vị trí của mình.

Trong đó tín hiệu màu đỏ là dễ phát hiện nhất. Chỉ cần dùng những biện pháp trên thì nhất định người bị nạn sẽ kéo dài sự sống cho đến lúc được cứu hộ.

Viết một bình luận