Có thể “dời” cả toà nhà đi được chăng?

Khoa Học Công Trình – 10 vạn câu hỏi vì sao

Trong quá trình cải tạo thành phố, quy hoạch xây dựng mới thường mâu thuẫn với các công trình kiến trúc hiện có.

Thông thường thì người ta dỡ bỏ nhà cũ, dời đến nhà ở mới. Cái cách vừa tháo dỡ vừa xây mới đó khiến cho chi phí xây dựng tăng lên rất nhiều, hơn nữa, rất nhiều kiến trúc cũ có ý nghĩa kỷ niệm quan trọng hoặc có giá trị bảo tồn văn vật cũng vì thế mà bị phá huỷ.

Phải chăng có thể không cần tháo dỡ ngôi nhà mà có thể “dời” nó đến chỗ mới một cách hoàn chỉnh được chăng?

Ngay từ những năm 30 của thế kỷ XX, các nhà kiến trúc Liên Xô cũ đã thành công khi dịch chuyển một ngôi nhà hai tầng hoàn chỉnh đến cách đó 250 m ngoài ra còn di chuyển một toà nhà cao năm tầng cách chỗ cũ 7 m.

Trong quá trình dịch chuyển nhà, kết cấu của toà nhà và các công trình bên trong vẫn hoàn hảo không bị hư hỏng gì. Vậy thì, các toà nhà được “dời đi” như thế nào?

Trước hết, toà nhà phải tách rời khỏi nền móng ban đầu, ở phía dưới người ta đệm một cái giàn đỡ bằng thép hình chữ I. Giàn đỡ là một dãy các thanh thép chữ I rất dài đặt song song với chiều di chuyển, ở dưới mỗi bức tường đều đặt thép chữ I, vừa dùng để đỡ trọng lượng ngôi nhà, vừa làm dầm dịch chuyển.

Đọc Thêm:  Tại sao có thể trồng hoa cỏ trên bêtông?

Toàn bộ giàn đỡ kết hợp chặt chẽ với thân tường của toà nhà, tăng cường tính ổn định đồng đều của toà nhà trong quá trình di chuyển.

Ở bên dưới thép chữ I là đường ray thép, chạy dài đến nơi cần chuyển đến, ở giữa giàn đỡ thép chữ I và đường ray thép, người ta đặt vào những ống thép lăn, hoặc thay bằng xe đẩy có vòng lăn cường độ cao.

Sau khi hoàn thành công tác chuẩn bị, dùng tời có sức kéo cực mạnh qua một tổ hợp ròng rọc để kéo giàn đỡ bằng thép, chở toà nhà nặng nề dịch chuyển một cách bình ổn.

Thông thường, quá trình dịch chuyển nhà diễn ra rất chậm chạp, tốc độ bị khống chế trong phạm vi 8-10 m/giờ. Ở trạng thái tốc độ chậm và cân bằng đó, nói chung không cần dùng thép để gia cố thêm toàn khối toà nhà.

Theo kết quả trắc đạt đã xác định, độ rung động trong quá trình dịch chuyển nhà, còn nhỏ hơn cả độ rung động đất gây nên khi một chiếc ô tô chạy qua nhà cơ đấy!

Sau khi kéo toà nhà đến nơi, còn phải trải qua một quá trình điều chỉnh cân bằng phức tạp nữa mới có thể đưa dần nó lên nền móng mới và cố định lại. Như vậy toà nhà đã hoàn thành quá trình “dời nhà”.

Viết một bình luận