“Băng khô” có phải là băng không?

Hóa học – 10 Vạn Câu Hỏi Vì Sao

Tại bang Texas của nước Mỹ đã từng xảy ra một sự việc lạ: có lần có mấy đội thăm dò địa chất tiến hành khoan tìm dầu mỏ, họ đã khoan đến một độ rất sâu. Đột nhiên do áp suất rất cao của chất khí bị nén dưới mặt đất phụt ra rất mạnh, nên ngay lúc đó ở miệng lỗ phun có một đống lớn “tuyết trắng”. Điều kỳ lạ là khi các nhân viên đội thăm dò chạm tay vào đám tuyết thì trên ngón tay không phải là giọt nước mà là màu đen.

Nguyên do là loại “tuyết trắng” này không phải là tuyết mà là “băng khô”. Băng khô không phải là băng vì băng khô không do nước bị lạnh đông tạo ra mà lại do một chất khí không màu là cacbon đioxit đông kết mà thành.

Nếu cho cacbon đioxit chứa vào bình kín rồi nén lại, cacbon đioxit sẽ biến thành chất lỏng giống như nước. Nếu lại hạ nhiệt độ, chất lỏng sẽ biến thành chất màu trắng giống như tuyết xuất hiện vào mùa đông, đó chính là “băng khô”.

Trông bên ngoài thì băng khô cũng mịn như tuyết, nhưng chớ sờ tay vào, vì nhiệt độ của băng khô xuống đến -78,5°C có thể làm tay bị thương. Sau khi bị thương da sẽ biến thành các vết đen, chỉ sau ít ngày sẽ bị thối rữa.

Đọc Thêm:  Vì sao có loại gốm đập không bị vỡ?

Nếu bạn để băng khô trong phòng, nó sẽ nhanh chóng biến mất, biến thành khí cacbon đioxit và bay vào không khí. Đó là do băng khô dưới áp suất thường không biến thành trạng thái lỏng mà hấp thụ nhiệt để biến ngay thành trạng thái khí, người ta gọi đó là hiện tượng thăng hoa.

Có điều lý thú là do băng khô có nhiệt độ rất thấp, khi thăng hoa sẽ làm không khí xung quanh hạ nhiệt độ xuống rất thấp một cách nhanh chóng làm cho hàm lượng nước trong không khí (không khí ẩm) sẽ ngưng tụ thành sương mù. Lợi dụng đặc điểm đó của băng khô, trong điện ảnh người ta đã rải băng khô để tạo cảnh tượng mây mù. Ngoài ra trong tình huống cần thiết người ta có rải băng khô từ máy bay bay trên cao để làm mưa nhân tạo.

Viết một bình luận